Sổ tạm trú KT3

sổ tạm trú kt3

Bên cạnh sổ hộ khẩu (KT1) – giấy tờ có giá trị xác nhận nơi thường trú của công dân, tại Việt Nam còn tồn tại các loại sổ tạm trú khác nhau có tên KT2, KT3, KT4 – chứng nhận nơi sinh sống hiện tại khác với nơi đã đăng ký thường trú. Các loại giấy tờ này được ban hành nhằm đảm bảo an ninh khu vực, trật tự và an toàn xã hội nhất là trong bối cảnh lượng người dân di chuyển tới các khu vực khác phục vụ nhu cầu làm việc, học tập của mình ngày càng đông.

Trong bài viết sau, hãy cùng Daisuquan tìm hiểu về tạm trú KT3 – hình thức tạm trú rất phổ biến trong các thành phố lớn hiện nay.

1. Sổ tạm trú KT3 là gì?

Sổ tạm trú KT3 là một loại sổ tạm trú dài hạn (không xác định thời hạn) ở một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương nào đó, không phải nơi đăng ký thường trú.

KT3 được cấp cho cá nhân/ hộ gia đình để xác định nơi ở tạm thời của công dân đó, đồng thời giúp cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng cư trú của một địa điểm dân cư.

Ví dụ: Bạn sinh ra ở Hà Nội và địa chỉ của bạn trong sổ hộ khẩu thường trú cũng ở Hà Nội. Nhưng vì nhu cầu của bản thân, bạn cần chuyển vào làm việc dài hạn ở thành phố Hồ Chí Minh thì trong trường hợp đó, bạn sẽ cần phải xin cấp sổ tạm trú KT3 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Khi bạn đã có đăng ký thường trú tại 1 tỉnh/thành phố (nơi đăng ký hộ khẩu) nhưng có đăng ký tạm trú dài hạn tại 1 tỉnh/thành phố khác (tức KT3) thì bạn hoàn toàn được hưởng những quyền và lợi ích như một công dân thường trú tại nơi đăng ký KT3.

Khi định nghĩa về tạm trú diện KT3, nhiều người lầm tưởng rằng sổ tạm trú KT3 có giá trị vô thời hạn. Thực tế, sổ KT3 chỉ có thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được cấp. Sau thời gian đó, tùy vào nhu cầu mà bạn có thể xin gia hạn hoặc cấp lại sổ để tiếp tục cư trú hợp pháp tại địa phương.

2. Mục đích sử dụng sổ tạm trú KT3

Đăng ký tạm trú KT3 là nghĩa vụ của công dân khi sinh sống tại các địa phương khác nơi thường trú. Đồng thời, sở hữu sổ tạm trú KT3 cũng là điều kiện cần để bạn có thể thực hiện được các công việc như:

  • Hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng nhà ở tại địa phương đang tạm trú
  • Đăng ký mới/ sang tên phương tiện giao thông (xe máy, ô tô, v.v.)
  • Mua bán/ sang tên/ cho thuê nhà ở, bất động sản tại nơi đang tạm trú
  • Vay vốn tín chấp tại các ngân hàng/ công ty tài chính
  • Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại nơi đang tạm trú
  • Đăng ký sử dụng Internet, cáp, điện nước, v.v.
  • Hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đăng ký nhập học, bằng lái xe, bảo hiểm, v.v.

3. Điều kiện đăng ký tạm trú KT3

Để được cấp sổ tạm trú KT3, bạn phải đáp ứng được những yêu cầu như sau:

  • Có giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân)
  • Đã đăng ký thường trú tại 1 tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nhưng hiện nay sinh sống tại một địa phương khác
  • Sở hữu nhà ở hoặc đã mua đất đai tại tỉnh/thành phố cần đăng ký tạm trú KT3
  • Trường hợp thuê/mượn nhà hoặc ở nhờ nhà người khác, phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà để đăng ký tạm trú KT3
  • Đã sinh sống tại nơi cần đăng ký tạm trú KT3 ít nhất 30 ngày

4. Hồ sơ đăng ký tạm trú KT3

Một bộ hồ sơ đăng ký tạm trú diện KT3 cần có đủ những giấy tờ, văn bản sau. Vì số lượng giấy tờ khá ít nên bạn chủ động chuẩn bị kỹ để có thể tiết kiệm thời gian nộp hồ sơ, tránh điều chỉnh không cần thiết.

  • 01 tờ khai nhân khẩu (theo mẫu HK01)
  • 01 phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu HK02)
  • Chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân (xuất trình bản gốc và nộp 01 bản sao)
  • Giấy tờ chứng minh chỗ ở tại nơi đăng ký KT3 (giấy tờ mua bán nhà, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà/ sử dụng đất, v.v.). Nếu người đăng ký đang thuê/ mượn nhà hoặc ở nhờ, trên phiếu báo thay đổi hộ khẩu/ nhân khẩu, chủ nhà phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho người đó đăng ký tạm trú, ghi ngày tháng năm và ký tên.

5. Thủ tục đăng ký tạm trú KT3

  • Sau khi đã chuẩn bị đủ các giấy tờ cần thiết nêu trên, bạn mang hồ sơ tới cơ quan công an phường, xã nơi tạm trú để nộp hồ sơ và yêu cầu cấp sổ KT3.
  • Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ, Trưởng công an phường, xã sẽ có trách nhiệm cấp sổ tạm trú KT3 cho công dân theo quy định.
  • Nếu bạn đã được cấp sổ tạm trú nhưng sau đó không sinh sống, làm việc tại nơi đã đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên thì sổ tạm trú KT3 của bạn sẽ mất giá trị và bạn sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú của cơ quan Công an địa phương.
  • Trong vòng 30 ngày trước khi sổ KT3 hết thời hạn, nếu bạn vẫn có ý định sinh sống tại địa phương đó, bạn phải tới cơ quan Công an đã cấp sổ cho mình để làm thủ tục gia hạn. Nếu sổ đã hết hạn hoặc bị mất có thể xin cấp lại, nếu sổ bị hư hỏng sẽ được đổi sổ mới.

6. Xin cấp hộ chiếu đối với trường hợp ngoại tỉnh, có sổ tạm trú KT3

Đối với những công dân ở ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh, các bạn vẫn có thể xin cấp hộ chiếu tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an thành phố (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả) nếu có sổ tạm trú KT3 tại các địa chỉ:

  • Tại Hà Nội: 44 Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa hoặc số 2 Phố Phùng Hưng, Quận Hà Đông
  • Tại TP. Hồ Chí Minh: 196 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3

► Hồ sơ xin cấp hộ chiếu phổ thông dành cho đối tượng có sổ tạm trú KT3 như sau:

  • Tờ khai xin cấp hộ chiếu phổ thông (theo mẫu X01): có xác nhận của công an phường, xã nơi đang tạm trú và đóng dấu giáp lai của UBND phường, xã lên ảnh.
  • 03 Ảnh hộ chiếu theo đúng yêu cầu: kích thước 4×6 cm, nền trắng, chụp chính diện, không đeo kính, đầu trần, không qua chỉnh sửa
  • Bản gốc chứng minh nhân dân còn hiệu lực, không rách nát, không ép dẻo, số hiển thị rõ ràng
  • Sổ đăng ký tạm trú KT3 (bản gốc và bản photo)

Lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông áp dụng chung hiện nay là: 200.000 VNĐ. Thời hạn trả hộ chiếu là trong vòng 8 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Bạn có thể đến nhận lại hộ chiếu tại nơi nộp hồ sơ hoặc yêu cầu gửi về địa chỉ của mình theo đường bưu điện (lệ phí gửi bưu điện: từ 30.000 – 40.000 VNĐ, tùy địa điểm).

Rate this post