Cẩm nang Đại Sứ Quán

Thị Thực Rời Là Gì? Điều Kiện Để Được Cấp Visa Rời

Như các bạn đã biết thì thị thực thường được dán lên hộ chiếu công dân. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp được cấp thị thực rời vì những lý do khác nhau.

Cùng tìm hiểu các trường hợp đó là gì và những thông tin liên quan trong bài viết dưới đây.

Thị thực rời và hộ chiếu

THỊ THỰC RỜI

Thị thực rời là thị thực được cấp thành tờ rời kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại có giá trị thay cho hộ chiếu.

Đây còn là một tiêu chí để phân loại thị thực thành: thị thực dán và thị thực rời.

Thị thực rời cũng được pháp luật quy định theo mẫu nhất định. Đó là mẫu NC2.

Một mẫu thị thực cấp rời

THÔNG TIN GHI NHẬN TRÊN THỊ THỰC RỜI

Mặc dù khác nhau về hình thức, thị thực rời vẫn ghi nhận đầy đủ các thông tin như:

  • Số thị thực;
  • Loại thị thực;
  • Thời hạn;
  • Số lần được phép nhập cảnh;
  • Họ tên người được cấp thị thực;
  • Ngày sinh;
  • Thời gian tạm trú (theo sự cho phép của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh);
  • Ảnh.
  • Ngày cấp, cơ quan cấp

Ngoài ra, thị thực rời có thêm một mục “Ghi chú” để ghi nhận những thông tin quan trọng chưa được đề cập.

04 TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC CẤP THỊ THỰC RỜI

Thị thực rời có thể được cấp trong những trường hợp sau:

1. HỘ CHIẾU ĐÃ HẾT TRANG CẤP THỊ THỰC

Trên hộ chiếu luôn có các trang trống để dán thị thực các quốc gia. Các trang này ở ngay sau những trang ghi nhận thông tin người mang hộ chiếu.

Trang để dán visa trên hộ chiếu Việt Nam

Hộ chiếu có thời hạn khá dài. Ví dụ như hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam là 10 năm. Do đó, nếu bạn đi ra nước ngoài và thường xuyên phải xin visa, hộ chiếu thường hết trang dán trước khi nó hết hạn. Trong trường hợp đó, bạn có thể được cấp thị thực rời.

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, khi làm visa, hộ chiếu yêu cầu phải còn trang trống. Tức là trong trường hợp đó, quốc gia đó không cấp rời visa  cho bạn. Muốn được cấp, bạn làm phải làm một hộ chiếu mới.

2. HỘ CHIẾU CỦA NƯỚC CHƯA CÓ QUAN HỆ NGOẠI GIAO VỚI VIỆT NAM

Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao đối với nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, vẫn có một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trong trường hợp này, thị thực sẽ được cấp rời chứ không dán lên hộ chiếu của quốc gia đó.

3. GIẤY TỜ CÓ GIÁ TRỊ ĐI LẠI QUỐC TẾ

Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

Người không có quốc tịch thì không thể được cấp hộ chiếu, do đó họ sử dụng giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế. Loại giấy tờ này không có trang để dán visa, do đó, visa có thể được cấp rời trong trường hợp này.

Lưu ý, giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

4. VÌ LÝ DO NGOẠI GIAO, QUỐC PHÒNG, AN NINH

Đây là các trường hợp đặc biệt, vì lý do ngoại giao, quốc phòng hoặc an ninh mà thị thực sẽ được cấp rời. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào nhận định và quan điểm của cá nhân có thẩm quyền.

Ví dụ: Trong khoảng thời gian gần đây xuất hiện hộ chiếu Trung Quốc có “đường lưỡi bò”.

Theo quan điểm chỉ đạo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cán bộ có thẩm quyền kiên quyết không đóng dấu visa lên hộ chiếu này. Thay vào đó, người mang hộ chiếu sẽ được cấp visa rời. Thậm chí còn không được cấp visa.

Trên đây là những thông tin liên quan thị thực rời và 4 trường hợp được cấp thị thực dạng này. Hy vọng rằng chúng đã giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của các bạn.

Trung Sơn
Nguồn: Daisuquan.online

Rate this post
admin