Nội Dung
Người Việt Nam muốn nhập cảnh vào Nhật Bản cần phải xin visa trước tại Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản. Dưới đây là thủ tục tư vấn nộp visa tại Lãnh sứ Quán Nhật Bản ở Sài Gòn. Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách nhận hồ sơ xin visa đối với người hiện đang sinh sống ở khu vực miền Nam từ các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên trở vào. Đối với những người sinh sống từ các tỉnh Gia Lai, Bình Định trở ra Bắc, xin vui lòng nộp hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Hộ chiếu.
Còn hạn trên 6 tháng (tính tới ngày dự định nhập cảnh vào Nhật Bản).
Người chủ hộ chiếu phải ký tên vào hộ chiếu.
Đơn cấp visa.
Tải mẫu đơn về máy tính rồi nhập liệu vào các ô theo yêu cầu. Xong rồi thì in ra. Chữ ký trên đơn phải giống với chữ ký trên hộ chiếu.
Hướng dẫn điền đơn mẫu: tiếng Anh hoặc tiếng Việt.
Hình dán đơn (1 tấm khổ 45mm x 45mm).
Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi.
Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền.
Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng.
Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động v.v.
Lịch trình lưu trú (Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, nơi liên lạc) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (Đặt chỗ khách sạn v.v.)
Tải file mẫu lịch trình lưu trú. Đây là mẫu bắt buộc phải có. Nếu bạn làm mẫu lịch trình của riêng bạn, thì người tiếp nhận có thể thu luôn hoặc trả lại (tùy người tiếp nhận hồ sơ) nhưng bạn sẽ được phát tờ lịch trình theo mẫu và chép lại lịch trình vào tờ mẫu lịch trình lưu trú này. Tốn thời gian của bạn lắm đó.
Bạn có thể lên trang www.japan-guide.com để tham khảo các nơi cần đi.
Tra lịch đi tàu thì dùng HyperDia.com
Về giấy Đặt chỗ khách sạn thì bạn lên booking.com đặt (được hủy không tính phí – tùy khách sạn). Giấy Đặt chỗ khách sạn nên có tên của tất cả các thành viên trong đoàn.
Bản giải trình lý do cần thiết xin cấp thị thực nhiều lần. Mẫu này chỉ áp dụng cho người có nguyện vọng xin visa ngắn hạn nhiều lần. Vui lòng tham khảo 2 loại visa nhiều lần dưới đây tại website của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản:
Hồ sơ xin visa lưu trú ngắn hạn nhiều lần (thực hiện quy chế nới lỏng thị thực từ 01/07/2013 và sau đó là 30/09/2014)
Hồ sơ xin visa lưu trú ngắn hạn nhiều lần với mục đích thương mại, nhà hoạt động văn hóa, trí thức (từ 15/02/2016)
Lưu ý:
Không xuất vé máy bay vào thời điểm xin visa. Việc xét duyệt visa có thể có kết quả không được cấp visa hoặc quá trình xét duyệt kéo dài có thể không kịp thời gian dự định.
Các giấy tờ cần giữ lại bản chính thì photo ra một bản rồi nộp kèm bản chính. Sau khi đối chiếu xong sẽ trả lại bản chính. Giấy tờ không cần công chứng hay dịch thuật.
Việc đại diện xin visa: Về nguyên tắc, đương sự xin visa phải trực tiếp đến cửa tiếp nhận hồ sơ để xin visa, tuy nhiên những trường hợp dưới đây thì người đại diện (nhân viên cùng công ty hoặc người thân v.v.) có thể thay thế đến xin visa.
Trẻ em dưới 16 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có trở ngại về thân thể
Người xin visa nhập cảnh với mục đích thương mại, hội nghị, seminar, đào tạo ngắn hạn.
Người đã từng có visa và nhập cảnh Nhật Bản trong vòng 3 năm trở lại tính từ ngày nộp hồ sơ (xét trên hộ chiếu).
Nhân viên các công ty du lịch đã đăng ký đại diện xin visa cho khách đoàn du lịch.
Như vậy đối với xin visa du lịch tự túc thì mọi thành viên trong đoàn đều phải có mặt. Ngoài trừ trẻ em dưới 16 tuổi, người già trên 60 tuổi và người đã từng có visa và nhập cảnh Nhật Bản trong vòng 3 năm trở lại tính từ ngày nộp hồ sơ.
Có một số Giấy tờ không được liệt kê nhưng phải có như:
Sổ hộ khẩu/sổ tạm trú (bản chính & bản photo) chứng minh bạn trong vùng nhận hồ sơ của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản.
Nếu bạn đi nộp hồ sơ cho:
Con dưới 16 tuổi: Phải có giấy khai sinh của con bạn.
Cha/mẹ trên 60 tuổi: Phải có giấy khai sinh của bạn.
Sổ hộ khẩu không được dùng để chứng minh mối quan hệ cha/mẹ và con.
Nên đem theo nhiều giấy tờ nhất có thể. Nếu cần bổ sung thì có liền. Nếu bổ sung không kịp trong buổi sáng thì phải qua ngày hôm sau đi nộp lại do buổi chiều không nhận hồ sơ mà chỉ trả kết quả visa.
Bộ hồ sơ nên được sắp xếp theo thứ tự sau:
Hộ chiếu. Nộp nhiều hộ chiếu thì lấy thun cột các hộ chiếu lại. Nếu có hộ chiếu cũ thì nộp luôn hộ chiếu cũ .
Đơn cấp visa. (Có dán hình thẻ 45mm x 45mm)
Bản giải trình lý do cần thiết xin cấp thị thực nhiều lần (nếu xin visa multi entries).
Lịch trình theo mẫu + lịch trình tự làm của bản thân (nếu muốn nộp).
Xác nhận Đặt chỗ khách sạn.
Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền: Sao kê tài khoản nhận lương (lấy viết dạ quang làm sáng các dòng nhận lương) hoặc phiếu lương hoặc xác nhận hạn mức thẻ tín dụng v.v.
Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng hoặc các sổ tiết kiệm, cổ phiếu, sổ đỏ, sổ hồng hoặc hợp đồng mua nhà (nếu chưa có sổ hồng) v.v.
Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động hoặc quyết định nghỉ hưu/sổ hưu v.v.
Giấy khai sinh (nếu nộp cho con dưới 16 tuổi hoặc cha/mẹ trên 60 tuổi).
Sổ hộ khẩu.
Visa nhập cảnh 1 lần: 550.000 VND
Visa nhập cảnh nhiều lần: 1.090.000 VND
Cấp visa mới thu phí. Từ chối cấp visa thì trả lại hộ chiếu, không thu phí.
Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Quận 3, TPHCM
ĐT: 08 39333510; 08 39333520
Fax: 0839333523
Người đi nộp visa Nhật phải xếp hàng và trình chứng minh nhân dân/hộ chiếu cho quầy cảnh vệ bên ngoài Tổng lãnh sự quán Nhật. Cảnh vệ sẽ ghi tên người đi nộp đơn vào sổ và trả lại chứng minh nhân dân/hộ chiếu cho người nộp. Đừng vội cất CMND/Hộ chiếu, bạn còn trình ra để vào phòng kiểm tra an ninh nữa. Sau đó nhân viên bảo vệ sẽ cho bạn vào cửa hoặc hướng dẫn bạn xếp hàng riêng để chờ vào (nếu bên trong đã đông).
Sau khi vào được Tổng lãnh sự quán Nhật (lớp cửa thứ 1), bạn sẽ gặp lớp cửa thứ 2. Chính là cửa vào phòng kiểm tra an ninh. Bạn sẽ được hướng dẫn vào thẳng (hoặc xếp hàng chờ) phòng kiểm tra an ninh. Vào từng người một nên đứng chờ là cái chắc. Kiểm tra an ninh tương tự như kiểm tra an ninh ở sân bay. Bạn làm theo hướng dẫn của nhân viên kiểm tra an ninh. Sau khi kiểm tra an ninh xong thì bạn được vào khu vực nộp hồ sơ.
Vừa ra khỏi phòng kiểm tra an ninh thì bên tay phải bạn có máy lấy số thứ tự nộp hồ sơ. Lấy tay chạm mục Visa trên màn hình thì nó sẽ nhả ra cho bạn số thứ tự. Bạn lấy nó và chờ tới lượt mình.
Người nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ của bạn. Hỏi vài câu hỏi về lịch trình, về chổ ở, về kinh phí v.v. Nếu quyết định nhận hồ sơ, họ sẽ đưa bạn một tờ giấy nhỏ xíu bằng ngón tay cái có 1 con số trên đó (là mã hồ sơ của bạn) yêu cầu bạn ghi số điện thoại liên lạc vào. Ghi xong trả lại họ tờ giấy này, họ sẽ phát cho bạn một biên nhận hồ sơ. Trong biên nhận nếu ngày hẹn trả kết quả để trống thì chờ họ điện thoại báo, còn có ghi ngày hẹn trả thì tới ngày lên lấy kết quả.
Lưu ý:
Điện thoại báo có kết quả là báo có visa, từ chối visa hoặc ngày nào có kết quả (lên tới nới mới biết kết quả).
Nhớ đem theo biên nhận khi đi lấy kết quả visa.